Tải bộ dữ liệu VARHS
Tương tự bộ dữ liệu khảo sát mức sống dân cư Việt Nam (VHLSS), bộ dữ liệu VARHS cũng được sử dụng rất rộng rãi trong các nghiên cứu về bất bình đẳng, nghèo đói, các nghiên cứu phân tích về chi tiêu (giáo dục, y tế, đời sống) của các nông hộ cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập, tiết kiệm của hộ như kiều hối, di cư… Bộ dữ liệu này cũng đề cập khá chi tiết đến các chiến lược ứng phó với rủi ro trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân Việt Nam. Ngoài ra, điểm nổi bật nhất của các bộ dữ liệu VARHS chính là lấy mẫu lặp lại nên rất thuận lợi cho việc phân tích các mối quan hệ dựa trên dữ liệu bảng.
Bộ dữ liệu VARHS là tên viết tắt của Vietnam Access to Resources Household Survey với tên gọi là bộ dữ liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam – VARHS. Bộ dữ liệu VARHS được thực hiện nhằm tìm hiểu hành vi, các cơ hội và các cản trở mà các hộ nông dân Việt Nam đang phải đối mặt.
Mục đích tổng quát của các cuộc điều tra VARHS là tìm hiểu sâu hơn thực trạng kinh tế của các hộ gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam với trọng tâm tập trung vào việc tiếp cận và sử dụng các nguồn lực sản xuất (vốn vật chất, tài chính, con người và xã hội).
Các cuộc điều tra VARHS được thiết kế như nỗ lực nghiên cứu chung với mục tiêu là bổ sung cho Điều tra mức sống dân cư Việt Nam và có tính đại diện cho cả nước (VHLSS) được Tổng cục Thống kê (GSO) thực hiện hai năm một lần và gần đây nhất là vào năm 2018. Nhiều hộ được điều tra trong VARHS qua các năm cũng được điều tra trong VHLSS. Do đó VARHS tập trung dựa trên cơ sở dữ liệu lớn đã được thu thập trong VHLSS với trọng tâm cụ thể vào việc thu thập số liệu và tìm hiểu về tiếp cận và tương tác của các hộ gia đình nông thôn Việt Nam với thị trường đất đai, lao động và tín dụng. Hơn nữa, như trong năm 2006 và 2008, năm 2010 đặc biệt quan tâm đến thu thập số liệu nông nghiệp ở cấp mảnh đất của người nông dân.